Shibui (渋い) — Mỹ cảm tinh tế của người Nhật

Hùng Vũ
9 min readAug 2, 2021

Một xúc cảm sâu lắng, dịu dàng và trầm lặng. Không phô trương và không khoe mẽ.

Shibui (渋い)

— là một từ trong tiếng Nhật để mô tả một mỹ cảm (sensibility) trong thiết kế và trong cuộc sống, lấy trọng tâm là sự tối giản tinh tế và không hoa mỹ. Shibui là một phần trong một lối sống hay thế giới quan của con người Nhật có tên gọi là wabi-sabi (侘寂), mà ở đó con người ta chấp nhận một cách an yên, không một chút nào hờn giận, thứ bản chất hữu hạn, nhất thời hay dở dang của vạn vật trong đời sống.

Shibui được coi là một lý tưởng mỹ cảm trong văn hóa của đất nước mặt trời mọc, và thường được mệnh danh là “bậc cao nhất của thẩm mỹ”. Elizabeth Gordon, chủ biên của tạp chí về kiến trúc House Beautiful, trong một số báo khá nổi tiếng năm 1960, đã mô tả Shibui là “một xúc cảm sâu lắng, dịu dàng và trầm lặng. Không phô trương và không khoe mẽ. Nó có thể có những thành quả ẩn giấu nhưng sẽ không bao giờ bày biện chúng ta. Hình thức của nó rất đơn giản và luôn được hình thành với một sự tiết chế. Shibui không bao giờ tỏ ra phức tạp hay giả tạo.”

Shibui trong thiết kế của phương Tây — Một chiếc ghế gỗ tối giản làm từ một mảnh gỗ xẻ ra làm ba

Trong cuốn tiểu thuyết Shibumi, Rodney William Whitaker đã định nghĩa Shibui là “sự đơn giản trang nhã” (elegant simplicity) và “vẻ đẹp tiềm ẩn” (understated beauty).

Hình dáng bất thường, hoa văn phi đồng đều cùng màu sắc không bắt mắt của chén rượu sake Seto thể hiện rõ khái niệm Shibui

Khái niệm Shibui gắn liền với tính trang nhã (elegance). Một đối tượng Shibui điển hình sẽ luôn có sự cân bằng giữa tính đơn giản và tính phức tạp. Đối tượng này ban đầu nhìn qua có vẻ giản dị hay thậm chí là nhạt nhẽo, nhưng khi bạn càng dành nhiều thời gian với nó thì nó sẽ càng để lộ ra cho bạn những chiều sâu được giấu kín và càng trở nên tinh vi và thú vị hơn. Sự cân bằng này để đảm bảo một điều rằng người quan sát sẽ không bao giờ cảm thấy chán, mà ngược lại sẽ liên tục giác ngộ ra những ý nghĩa và những vẻ đẹp phong phú mới, qua đó càng nâng tầm giá trị của đối tượng Shibui theo năm tháng. Shibui không phải là vẻ đẹp được trưng lên cho người xem, mà nó chỉ là thứ dẫn dắt giúp người xem tự luận ra được vẻ đẹp từ bên trong nó. Một bức tranh khi được hoàn thành, nếu đẹp, thì con người ta rồi cũng sẽ cảm nhận hết. Nếu xấu, sẽ khiến người xem cảm thấy khó hiểu, thất vọng hay chán nản. Vẻ đẹp của Shibui — cũng giống như vẻ đẹp của một buổi tiệc trà chiều — chính là cái vẻ đẹp mà biến người xem trở thành người họa sĩ.

Shibui trong thiết kế nội thất tại Nhật

Các đối tượng Shibui thường bao gồm một vài trong số 7 phẩm chất sau:

  • Kanso (簡素)tính tối giản: chúng không hề tỏ ra phức tạp. Màu sắc của chúng thường hợp tông với nhau một cách hài hòa và không có nhiều biến đổi bất ngờ.
  • Koko (ここ) — tính ẩn dụ: chúng có một chiều sâu nằm ẩn sau lớp vỏ bọc đơn giản.
  • Seijaku (静寂)tính khiêm tốn: chúng không bao giờ quả quyết khẳng định sự hiện diện của chúng hay là tính cách của người nghệ sĩ tác giả.
  • Fukensei (不顕性)tính phi đối xứng: chúng thường có những chi tiết bất quy tắc, không cân xứng hay không hoàn hảo.
  • Datsukoku (脱穀)tính tân kỳ: chúng tỏ ra lạ lùng và kỳ cục. Không bị bó buộc bởi bất kỳ quy ước nào.
  • Shizen (自然)tính chân thực: chúng luôn thật lòng và không bao giờ lừa dối.
  • Yugen (湯源)tính tế nhị: chúng luôn tế nhị và nhã nhặn.

Thiết kế & Đời sống

Các vật dụng được dùng trong nghi lễ thưởng trà chanoyu là đại diện cho sự phức tạp không phô trương của Shibui, bởi mỗi vật dụng chỉ đóng một vai trò nhất định trong cả trải nghiệm

Khái niệm Shibui đã được áp dụng vào rất nhiều các ngành sáng tạo khác nhau như thời trang, kiến trúc, nội thất, cây cảnh, nhiếp ảnh, đồ họa, v..v..

Shibui là đối lập của sự hoa mỹ. Nó tự tại và thông tuệ. Shibui không bao giờ phải khoe mẽ về bản thân mình. Nó khiêm nhường và tập trung sự chú ý của người quan sát bằng những nét chấm phá tinh tế. Đó có thể là là một ngôi nhà tuy trầm mặc nhưng vô cùng bền vững. Đó có thể là một chén trà đơn giản nhưng lại được làm một cách tinh xảo. Đó là một chiều sâu nằm dưới lớp vỏ của những gì hiển hiện mà yêu cầu người quan sát phải xem xét kỹ càng hơn.

Hoặc, nói một cách kỹ thuật hơn, thì Shibui là lối thiết kế tạo nên nhưng vật phẩm nhẹ nhàng và duyên dáng trong hình thái, nhưng lại thu hút được ánh nhìn của những người xung quanh nhờ sự tinh xảo trong những chi tiết nhỏ. Đó có thể là những đường cong mềm mại, có thể là một nét chấm phá màu sắc tô sáng (highlight), hay một sự thay đổi về mặt chất liệu, hoặc cũng có thể là một chức năng kỳ lạ và thú vị nào đó khiến người ta phải tò mò.

Shibui trong thiết kế đồ gốm

Kỹ nghệ làm gốm truyền thống của Nhật Bản được thừa hưởng rất nhiều từ lối tư duy của Shibui. Các điểm đặc trưng trong thiết kế đồ gốm Nhật Bản cũng có các phẩm chất của wabi-sabi, nhưng với cách thiết kế mở và rộng rãi với sáng tạo hơn. Các đồ gốm kiểu Shibui, mặc dù vẫn có thể có các bề mặt tráng men sạch đẹp, thường thể hiện được rõ ràng nhất sự bất cân bằng (asymmetry) trong hình thái, với chất liệu thô sơ và hoa văn không đồng đều. Mục đích của các vật dụng này là để hướng sự chú ý của người nhìn tới những chi tiết tuy nhỏ bé nhưng lại tinh tế và đầy cảm hứng của vạn vật trong thế giới tự nhiên.

Trong kiến trúc, Shibui là “điểm ngọt ngào” kết nối một ngôi nhà với tự nhiên. Chữ Shibui thường được sử dụng tương đương với chữ suki, vốn miêu tả thẩm mỹ thiết kế phòng trà của Nhật bản (sukiya). Điểm tối quan trọng trong thiết kế kiến trúc và nội thất kiểu Shibui đó là sự hiện diện của màu xám làm màu trung hòa các màu chính trong cả bức tranh (cả ngôi nhà lẫn tự nhiên).

Các công trình của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright (1867–1959) cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi niềm yêu thích của ông đối với lối tiếp cận cuộc sống đầy mỹ cảm của người Nhật. Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã nhắc rất nhiều đến những quan sát về tự nhiên của ông trong thời gian làm việc ở Nhật, cũng như mối quan tâm sâu sắc của ông tới những giá trị tinh thần nơi đó. Trong suốt cả cuộc đời của mình, ông đã trở thành một trong số những nhà buôn và sưu tầm các tác phẩm của Nhật lớn nhất nước Mỹ. Ông miêu tả những phẩm chất thiết kế của của Nhật bản là những giá trị bản thân ông đã từng tuyên bố.

Đồ trang sức thực sự không phải chỉ có làm đẹp từ bên ngoài. Mà nó còn là sự giao thoa hài hòa và tự nhiên với những gì nó trang trí, kể cả đó có là một con người, một ngôi nhà hay một công viên đi chăng nữa.

– Frank Lloyd Wright

Falling Water House (1935) — một ngôi nhà được xây trên đỉnh thác nước. Một tuyệt tác trong kiến trúc tự nhiên.

Các công trình của Frank Lloyd Wright nổi tiếng nhờ cách tiếp cận tự nhiên trong thiết kế của ông. Ông luôn muốn làm sao để đảm bảo rằng hình thái và chức năng của một công trình phải được coi như một. Và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Falling Water, mà ở đó căn nhà được xem như là một phần của thác nước. Thay vì có một bản thiết kế sẵn trong đầu, ông lại dành thời gian để quan sát địa hình địa thế tự nhiên của vị trí, rồi sau cùng mới tiến hành xây dựng căn nhà dựa theo đó. Mục tiêu của ông là giúp cải thiện môi trường xung quanh căn nhà cùng cuộc sống của những người sẽ đến ở đó và gọi nó là nhà.

Trong các loại hình nghệ thuật, thể thao cũng như các loại công việc khác, có rất nhiều người đã chủ động đưa mỹ cảm Shibui vào chuyên ngành của mình, hoặc là được người ta đánh giá là mang các phẩm chất của một đối tượng Shibui. Trình độ của họ đã đạt đến mức nghệ nhân, giúp họ có thể giải quyết được công việc một cách trôi chảy và khéo léo mà không cần phải tỏ ra nặng nhọc hay khoa trương. Trong những môn thể thao đồng đội như bóng đá, những cầu thủ được coi là Shibui khi họ có khả năng đóng góp vào chiến thắng chung của toàn đội mà không tự tôn bản thân của mình lên. Hay như trong quần vợt, sự nhẹ nhàng thanh thoát trong cách di chuyển và chơi bóng của Roger Federer cũng được coi là một ví dụ điển hình của shibumi trong hoạt động biểu diễn cá nhân.

Một nghệ nhân đồ gốm Nhật bản

Shibui và cái Sự sống tiềm ẩn đằng sau nó tồn tại gần như ở khắp mọi thứ quanh ta — kể cả chính bản thân chúng ta vậy. Mỗi một bước chúng ta đi để hiểu và để trải nghiệm Shibui, là một bước đưa chúng ta đến gần hơn với sự giác ngộ cái Sự sống chân thiện nhất nằm ẩn giấu đằng sau vạn vật. Bất kỳ một ai cũng có thể trở thành một Shibui. Bởi nó không chỉ là một mỹ cảm thiết kế hay hoạt động, mà nó còn là một lối sống — một lối sống mà ở đó ta biết nhìn thấy những điều tuyệt diệu dù là nhỏ nhất ở xung quanh mình. Một số cách đơn giản để chúng ta có thể bắt đầu thực nghiệm Shibui có thể kể đến như:

  • Thừa nhận nhưng đồng thời cũng tự tại với những điều xao lãng không cần thiết
  • Loại bỏ những thứ đồ lộn xộn và bừa bãi xung quanh mình
  • Đi bộ nhiều hơn — hãy coi đó là phương tiện đi lại chính của mình
  • Để ý những sự thay đổi mùa màng, những chi tiết trong tự nhiên là tín hiệu của những sự thay đổi và phát triển. Đó có thể chỉ đơn giản là sự vươn vai lặng lẽ của một nhành hoa dại bên đường.
  • Mời thiên nhiên vào nhà, việc này chỉ có thể đơn giản là đặt một nhành cây hoặc một chiếc lá ở nơi bạn thường xuyên dành thời gian
  • Tạo ra những thay đổi rất nhỏ trong không gian nội thất để phản ánh sự thay đổi trong mùa màng — có thể là thay đổi màu sắc và chất liệu của các loại đồ đạc trang trí hay phụ kiện. Đó là một cách đơn giản để luôn tươi mới và giúp truyền thêm cảm hứng.
  • Bất cứ khi nào có thể, hãy sử dụng những đồ dùng thủ công (lọ hoa, khăn thêu tay, bát ăn bằng gỗ)
  • Hãy dành thời gian yên tĩnh một mình mỗi ngày — kể cả khi bạn chỉ có 5–10 phút.
  • Hãy sáng tạo ra một thứ gì đó cùng với tự nhiên chỉ đơn giản vì bạn thích thú với quá trình của nó — thứ bạn làm ra sẽ là một sản phẩm phi hoàn hảo nhưng lại đẹp tuyệt vời.

--

--

Hùng Vũ

Chuyên gia nghiên cứu và tư vấn về Game hoá (Gamification) cho cá nhân, tổ chức & doanh nghiệp.